Trần Minh Tú là một trong những IU-SEaSAP Aluimni sáng giá nhất của chương trình. Với những trải nghiệm và chia sẻ của bạn, IU-SEaSAP tin chắc rằng các bạn IU-ers sẽ được truyền thêm cảm hứng và “lửa” để tham gia một kỳ trao đổi sinh viên tại nước ngoài. 

Background: 

  • Đã tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại ESB School of Business – Reutlingen University, Đức trong học kỳ II năm học 2016-2017 với học bổng trị giá 4,000 EUR cấp bởi đại diện quỹ TL Stiftung. Trong thời gian học trao đổi, Minh Tú đã đi du lịch và khám phá hơn 20 quốc gia ở châu Âu.
  • Hiện tại đang làm việc tại vị trí Strategy Analyst văn phòng CEO cho ngân hàng Barclays Bank Kenya (hiện là Absa Bank Kenya), top 4 ngân hàng Kenya (1 trong 3 thương hiệu ngân hàng nhượng quyền lớn nhất Anh Quốc).

Những thành tích khác:

  • Học bổng Mobifone 2018
  • Á quân quốc gia Hult Prize 2018, đại diện VN tham gia vòng khu vực tại Thượng Hải
  • Quán quân quốc gia P&G CEO Challenge 2017, đại diện VN tham gia vòng khu vực tại Singapore
  • SV 5 tốt cấp ĐHQG 2016
  • Học bổng Pony Chung 2016
  • Giấy khen Thành đoàn chiến dịch Mùa Hè Xanh 2016
  • Đại biểu VN chương trình giao lưu tại Nhật JENESYS 2016 chủ đề Hòa bình
  • Đại sứ Greenmate xuất sắc Lock&Lock 2016

1. Tham gia trao đổi sinh viên tại Đức và có trải nghiệm đi du lịch khám phá hơn 20 quốc gia châu Âu, Tú có thể kể về những điều nhớ nhất trong lần đi trao đổi này cũng như những ấn tượng mạnh nhất của mình với những đất nước đã đi qua?

Có thể nói châu Âu là điểm đến mơ ước của hầu hết mọi người, và mình cảm thấy mình may mắn khi được đặt chân đến rất nhiều địa danh ở châu lục này khi còn rất trẻ. Khác với trải nghiệm du lịch hay du học, bản thân không hẳn là một “du học sinh”, không rành sinh ngữ bản địa, lại chẳng phải một du khách chính hiệu, không chỉ ở đây dăm bữa nửa tháng, nên trải nghiệm của bản thân mình cũng như các bạn sinh viên trao đổi khác cũng đặc biệt hơn hẳn. Nhớ nhất phải kể đến những buổi giao lưu văn hoá đa quốc gia tự phát ở ký túc xá, ở khuôn viên trường, thậm chí ở bất kỳ thành phố nào mình đặt chân đến. Mình và các bạn cùng nấu ăn, giới thiệu với nhau về văn hoá từng nước, từ những vấn đề hàn lâm vĩ mô cho đến những cái khác biệt nhỏ nhặt như… văn hoá hẹn hò Á Đông và Tây Phương khác nhau thế nào. Các món ăn chỉ để xíu tiêu đã làm xé lưỡi mấy bạn Đức, hay bao nhiêu chai rượu cũng không làm say mấy bạn Ba Lan là những kỷ niệm không thể quên trong những lần hội ngộ ấy mà không biết chừng sau này chưa chắc có thể tái hợp.

Đặc sản của châu Âu là đa văn hoá, và khác với du khách chỉ hưởng thụ những nét đẹp ngoại cảnh và rồi nhanh chóng về lại thực tại, ở vị trí một sinh viên trao đổi, mình có đủ thời gian để ôm trọn bầu trời đa văn hoá ấy, đắm chìm trong bao nhiêu thông tin, ẩm thực, phong tục mới gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, cùng với những niềm vui bất tận là vài phút giây lần đầu cầm trong tay số tiền học bổng lớn, phải tự tìm cách xoay sở và tạo ra những trải nghiệm tuyệt nhất cho bản thân để bõ công đặt chân đến khu vực liên minh cho phép mình di chuyển khắp hơn 20 quốc gia này, và để không phụ lòng những cá nhân và tổ chức đã tin tưởng, hỗ trợ mình đạt được giấc mơ này. 

2. Không chỉ vậy, Tú còn có thành tích cá nhân rất ấn tượng khi đang là sinh viên IU, Tú chia sẻ về cách thức mình phân bổ thời gian cho việc học và tham gia phong trào như thế nào để thật hợp lý?

Mình nghĩ dù là việc học hay các hoạt động ngoại khoá, nếu đủ động lực và đam mê, mình sẽ tự tìm được cách cân bằng hợp lý. Cũng như mình thương ai đó rất nhiều thì dù có bận đến mấy cũng không thể thiếu thời gian dành cho người ấy được vậy. Khi tìm được những điểm mình thích trong các môn học và các hoạt động mình tham gia, hay bất kỳ khoản nào trong chính cuộc sống cá nhân, mình sẽ trích được thời gian dành cho những việc ấy. Thế nhưng thực tế ai cũng có một lượng thời gian như nhau mỗi ngày, nên mình sẽ cân nhắc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những việc mình muốn làm. Không ôm đồm, biết uỷ thác việc đúng người vào đúng thời điểm, và học cách từ chối khi phỏng đoán rằng mình khó có thể hỗ trợ hay hoàn thành công việc giúp ai đó khi bản thân vẫn còn nhiều trách nhiệm. Đó là những bài học tuy nghe có vẻ sách vở nhưng để làm chủ được thì mất khá nhiều thời gian để mình trui rèn. Và khi đã ưu tiên được những gì thật sự quan trọng thì không phải đắn đo liệu mình có đủ thời gian không nữa. Mọi thứ sẽ tự thu xếp khi mình đủ bản lĩnh quyết định toàn tâm toàn sức vào điều gì. Lúc còn đi học, mình luôn có những nhóm bạn hỗ trợ nhau trong việc học lẫn tham gia câu lạc bộ hay cuộc thi, thậm chí là với những vấn đề cảm xúc cá nhân. Thế nên việc chọn đúng bạn để nâng đỡ nhau và luôn sẵn sàng vì nhau cũng là một điều đáng quý để giúp mình san sẻ bớt khối lượng công việc.

3. Tú có điều gì tiếc nuối vì mình chưa làm được không? Nếu được quay trở lại thời sinh viên ở IU, Tú sẽ sửa sai điều gì?

Dù khá viên mãn với những quyết định của bản thân trong quá khứ nhưng mình cũng không tránh khỏi ít điều tiếc nuối nhất định. Một trong số đó có thể kể đến việc bản thân chưa đủ can đảm để đi xa hơn ra khỏi vòng an toàn của mình. Đã có những cơ hội mình chưa dám thử sức. Đã có những cuộc vui cùng bạn bè mình buộc phải khước từ. Đã có những kỷ niệm lẽ ra rất đáng nhớ cùng bạn bè mình trót lỡ đánh rơi vì nhiều trách nhiệm khác níu chân mình lại. Và đã có những giây phút chưa dám sống trọn cho điều mình tin. Thế nên nếu được sửa sai, mình nghĩ mình sẽ  trân trọng mà sống trọn vẹn hơn cho từng giây phút trôi qua ở thời đại học đáng nhớ ấy. Có thể nói thay vì sửa chữa sai lầm thì mình lại đang thực hiện cam kết này của bản thân với cuộc sống hiện tại, xem mỗi trải nghiệm hôm nay như một hơi thở, luôn cần thiết và đáng trân trọng như nhau. Tuy nhiên hiện tại những xúc cảm của thời sinh viên vẫn vẹn nguyên, được mình gìn giữ và trân quý.

4. Là một người mê dịch chuyển, Tú có chia sẻ bí quyết làm sao để sống sót ở những vùng đất mới?

Điều này mình nghĩ sẽ đến từ phía bản thân người trải nghiệm nhiều hơn, bao gồm hai yếu tố, cam kết hiểu rõ chính mình và can đảm đề nghị sự hỗ trợ. Không chỉ hiểu về những điều mình thích hay cảm thấy thoải mái, còn nên hiểu điều gì khiến mình bức bối, bất an. Từ đó bản thân sẽ định hình được mình phù hợp với những hoạt động hay phong tục tập quán mang tính hoà nhập như thế nào. Và mỗi cá thể luôn không hề muốn hoà tan, sẽ có những trải nghiệm không phù hợp với bản thân, mình hiểu rằng từ chối không nên bị đánh đồng với thiếu tôn trọng. Và nhờ hiểu bản thân mà mình sẽ dễ truyền đạt và giao tiếp với mọi người mong muốn thực nhất, nhu cầu chính xác nhất để họ hỗ trợ. Càng quan trọng hơn là hãy đừng do dự nhận lấy sự giúp đỡ, vì rồi mình sẽ lại giúp đỡ người khác, dù là những sự giúp đỡ hữu hình hay về mặt cảm xúc đều đáng được cân nhắc như nhau. Đôi khi sẽ có những lời khuyên hãy cố mở lòng để hoà nhập, mình lại nghĩ, mình cứ sống thật nhất với bản thân, và những người thật lòng thương mình rồi sẽ đến, và mình đã nhận được rất nhiều yêu thương từ điều đấy. Do vậy, mình lại càng tin vào việc tôn trọng sự thoải mái của bản thân trước đã, và những người thật tâm với mình sẽ vẫn lựa chọn ở lại cùng mình mà thôi, dù cho chúng ta có khác biệt về ngôn ngữ hay màu da, có hiểu rõ mấy câu tiếng Anh hay tiếng địa phương chèn ít tiếng Anh gắng gượng, thì sự tử tế vẫn cân được mọi khó khăn./.